Khiếm thính sơ sinh xảy ra ở tỷ lệ 1/1000 – 1/2000 trẻ sơ sinh, riêng trong nhóm trẻ có nguy cơ cao như những trẻ sinh ra từ các bà mẹ mắc một số bệnh lý khi mang thai như: rubella, giang mai, herpes..., những trẻ có tiền sử gia đình có người bị điếc, trẻ đẻ non hoặc sinh nhẹ cân, có các dấu hiệu của suy hô hấp sau đẻ và phải thông khí hỗ trợ kéo dài, trẻ bị vàng da do tăng bilirubin, viêm màng não v.v... thì tỷ lệ trẻ sơ sinh khiếm thính có thể rất cao, từ 1/50 trẻ đến 1/25 trẻ sơ sinh.

Theo một số nghiên cứu, ở Việt Nam tỷ lệ điếc ở trẻ chiếm từ 1/1000 đến 5/1000.
Như vậy, ước tính mỗi năm có thêm sẽ có khoảng 5000 trẻ bị điếc mới trên khoảng 1 triệu trẻ được sinh ra.

TẠI SAO CẦN SÀNG LỌC KHIẾM THÍNH Ở TRẺ SƠ SINH?


Việc phát hiện tình trạng khiếm thính ở trẻ thường rất muộn, đa phần sau 2 tuổi nên việc điều trị cả điếc và ngôn ngữ đều rất khó khăn. Trẻ khiếm thính thường chậm nói hoặc không nói được từ đó dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ và gây khó khăn cho việc học tập. Sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh trước khi xuất viện về nhà sẽ giúp phát hiện từ rất sớm những trẻ có vấn đề về thính giác để kịp thời can thiệp, điều này có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển ngôn ngữ và khả năng nói của trẻ. Trẻ sơ sinh bị khiếm thính nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể nghe, nói và phát triển như trẻ bình thường.

đo thính lực cho trẻ nhỏ
ABR - PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT KHIẾM THÍNH CHO TRẺ NHỎ

NHỮNG TRẺ SƠ SINH NÀO CẦN SÀNG LỌC KHIẾM THÍNH?


Tất cả trẻ sơ sinh bình thường hoặc có biểu hiện bệnh lý đều cần được kiểm tra thính lực thông qua chương trình sàng lọc khiếm thính. Do trẻ bị khiếm thính có thể có vẻ ngoài hoàn toàn bình thường nên cho trẻ sàng lọc khiếm thính là biện pháp hữu hiệu để phát hiện sớm những vấn đề liên quan đến thính lực của trẻ để chẩn đoán và can thiệp sớm.

LÀM SAO ĐỂ ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ KHIẾM THÍNH Ở TRẺ NHỎ?

Nghiệm pháp hành vi:
Các xét nghiệm hành vi được dựa trên việc tạo ra hay quan sát thấy một thay đổi trong hành vi khi phản ứng lại với âm thanh. Các xét nghiệm này bao gồm phép đo thính giác quan sát hành vi (BOA: behavioural observation audiometry), phép đo thính giác tăng cường thị giác (VRA: visual reinforcement audiometry) và phép đo thính giác bằng trò chơi. Việc xét nghiệm hành vi có liên quan đến việc trẻ phản ứng lại với âm thanh.
Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc là người có thể biết tốt nhất trẻ khả năng nghe của trẻ. Ở trẻ bình thường, ở mỗi độ tuổi khác nhau có những đáp ứng khác nhau với âm thanh như được mô tả trong bảng dưới đây:

bảng mức độ khiếm thính

Các nghiệm pháp khách quan:

Những nghiệm pháp này đo đáp ứng của một bộ phận cụ thể trong hệ thống thính giác và gần như không cần trẻ phải hợp tác. Các nghiệm pháp này bao gồm:

+ Nghiệm pháp đo âm ốc tai (OAE: otoacoustic mission)
+ Nghiệm pháp đo đáp ứng thính giác thân não (ABR: auditory brainstem response)
+ Nghiệm pháp đáp ứng trạng thái bền vững thính giác (ASSR: auditory steady state response)
+ Xét nghiệm chức năng tai giữa là một xét nghiệm khách quan khác nhằm cung cấp thông tin về chức năng của tai giữa.
 

MÁY TRỢ THÍNH LÀ GÌ?

Máy trợ thính là các thiết bị khuyếch đại âm thanh để người bị khiếm thính có thể nghe được. Máy trợ thính không chữa được tật khiếm thính nhưng có ích cho người khiếm thính khi sử dụng. Có hai loại máy trợ thính dựa trên sự khác biệt trong kỹ thuật tiếp nhận âm thanh.

Máy trợ thính khuếch âm đồng bộ (analogue hearing aids): khuếch âm đồng bộ mọi âm thanh xung quanh, nó như một cái amply có nhiệm vụ làm “to” lên các tiếng động một cách đồng bộ. Do đó nếu người nghe kém đeo chiếc máy này ở nơi ồn ào, sẽ nghe đủ mọi tiếng động do không lọc được tiếng cần nghe, muốn nghe… do vậy không nghe được chính xác âm thanh cần nghe.

Máy trợ trính kỹ thuật số (digital hearing aids): ra đời theo sự phát triển của công nghệ điện tử. Nó có thể phân lọc được các âm thanh ra từng loại. Máy được lập trình để đem lại âm thanh cần nghe ở những vị trí và hoàn cảnh khác nhau. Máy vẫn có tính năng khuếch âm y như máy Analog, nhưng với khả năng chuyển sóng âm thanh sang tín hiệu kỹ thuật số, nó sẽ phân tích tín hiệu và được cân chỉnh sao cho người sử dụng nghe một cách phù hợp, hạn chế hiện tượng dội âm (hay còn gọi là tiếng hú) hoặc loại bỏ được các âm thanh chói tai để người khiếm thính có thể nghe được một cách tốt nhất. Ngoài ra máy còn có thể kết nối với các phương tiện nghe nhìn khác mà không cần dây dẫn như điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, MP4, ti vi, radio v.v…

 

CẤY ỐC TAI LÀ GÌ?

Đôi khi còn được gọi là tai điện tử, thiết bị trợ thính ốc tai là một thiết bị thính giác được thiết kế để tạo ra các cảm giác âm thanh hữu ích bằng cách dùng xung điện kích thích các dây thần kinh bên trong phần tai trong. Thiết bị này được cấy bằng cách phẫu thuật và phù hợp với những người bị khiếm thính nặng hay rất nặng.
 

cấy ốc tai điện tử

KHOA TAI MŨI HỌNG - BỆNH VIỆN 199