Nhận diện quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.
Dương Phú Minh Nhật 11/18/2024 9:32:34 AM
(NLĐO) - Người xem cần cảnh giác trước quảng cáo thực phẩm chức năng được gọi là "tốt nhất", "cứu tinh", "cam kết không tái phát", "chữa dứt điểm"
Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) cho thấy có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử... là trá hình thực phẩm chức năng (TPCN).Năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm, sai phạm. Quý 1-2024 phát hiện gần 200 sản phẩm vi phạm.
80% quảng cáo TPCN trên mạng vi phạm
PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch VAFF, cho biết nhiều quảng cáo TPCN gây khó chịu cho người tiêu dùng. Có tới, 80% quảng cáo TPCN vi phạm đạo đức kinh doanh, gây bức xúc."Không khó để bắt gặp trên các nền tảng xã hội hình ảnh các bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, bệnh viện tuyến trung ương bị đối tượng lợi dụng cắt ghép để làm đại diện hình ảnh, quảng cáo cho sản phẩm của mình, lừa người tiêu dùng. Đã xuất hiện một số dạng ma túy dưới "vỏ bọc" là TPCN"- PGS Đáng cảnh báo.
Những năm qua, trang web của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), liên tục nêu tên các nhãn hàng, doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi quảng cáo sai về TPCN. Có tình trạng giả mạo bác sĩ, lương y các bệnh viện lớn để tư vấn TPCN... như thuốc chữa bệnh.
Một số doanh nghiệp kinh doanh TPCN, sản phẩm làm đẹp, giảm cân, mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo "thổi phồng" công dụng TPCN.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cảnh báo nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính mà người mắc bệnh nan y, bệnh mãn tính sử dụng các sản phẩm này có thể bỏ lỡ "thời gian vàng" trong điều trị, gây ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng.
Chú ý cụm từ "thực phẩm này không phải là thuốc"
Mới đây, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các đại biểu Quốc hội đã đặt hiệu câu hỏi về tình trạng TPCN kém chất lượng tràn lan trên thị trường cũng như việc mạo danh y, bác sĩ để quảng cáo sản phẩm.Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết nghị định 15-2018 quy định TPCN gồm 4 nhóm: Thực phẩm bổ sung; thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; thực phẩm dinh dưỡng y học; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Tuy nhiên, có tình trạng quảng cáo TPCN như thần dược, thổi phồng công dụng, làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm về bản chất sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
"Trên nhãn sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi đối tượng khuyến cáo sử dụng và không sử dụng"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đồng thời lưu ý người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi xem các quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, ví dụ: Uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh, có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" đều là các quảng cáo vi phạm.
Các tin tức khác
19/11/2024
19/11/2024
19/11/2024
19/11/2024
Dương Phú Minh Nhật 18/11/2024
Nguyễn Ngô Diễm Quỳnh 17/11/2024
Trần Việt Hùng 17/11/2024
Dương Phú Minh Nhật 15/11/2024
Dương Phú Minh Nhật 15/11/2024