Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc: Nơi sự sống được giành giật từng giây

Từ áp lực và những hy sinh…
Đây là nơi tập trung những bệnh nhân nặng nhất, nguy kịch nhất, thường xuyên đối diện với lằn ranh sinh tử. Từ nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đến bệnh suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, ngộ độc hoặc các biến chứng nặng sau phẫu thuật. Mỗi bệnh nhân đến với khoa là một cuộc chiến khốc liệt, đòi hỏi sự tập trung cao độ, phản ứng nhanh nhạy và kiến thức chuyên môn vững vàng.
Các y bác sĩ phải theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân 24/24, thực hiện các thủ thuật cấp cứu phức tạp như đặt nội khí quản, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, thở máy, lọc máu, truyền dịch, sử dụng thuốc vận mạch... Thậm chí, họ - những người thầy thuốc khoác lên mình “2 màu áo” đã gác lại hạnh phúc cá nhân, cả sự an nguy của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình. Sự hy sinh thầm lặng ấy là minh chứng cho lòng nhân ái cao cả và trách nhiệm thiêng liêng của người thầy thuốc.
“Gia đình neo người, ông ngoại mất sớm, cũng may mắn là còn bà ngoại hỗ trợ chăm sóc, đưa đón con cái đi học, đặc biệt là những ngày tôi có ca trực, chứ không cũng khó lòng mà gắn bó được với nghề gần 20 năm” - điều dưỡng trưởng Phạm Thị Hưng chia sẻ.
Nhân viên y tế đang chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân
Rồi, có thời điểm, tiếng chuông báo động cắt ngang mọi hoạt động, kéo các y bác sĩ trở lại guồng quay căng thẳng của công việc. Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bác sĩ Phạm Văn Trường cho biết: “Chúng tôi luôn phải duy trì sự tập trung cao độ, tinh thần trách nhiệm và một ý chí bình tĩnh để đối mặt với những ca bệnh nặng đang đứng trước nguy kịch, ra quyết định quan trọng liên quan đến tính mạng bệnh nhân”.
“Các nhân viên tại khoa, đặc biệt là Điều dưỡng trưởng luôn có tinh thần chủ động trong công việc, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết. Chị đang là cầu nối quan trọng trong việc truyền tải thông tin điều trị, chăm sóc từ bác sĩ, điều dưỡng tới bệnh nhân và gia đình và ngược lại” - bác sĩ Phạm Văn Trường thông tin thêm.
Không chỉ vậy, làm việc tại “pháo đài” cuối cùng này các y bác sĩ còn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, cả y bác sĩ lẫn người nhà bệnh nhân đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng ngừa lây nhiễm, sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân để bảo vệ bản thân.
… đến hạnh phúc vỡ òa!
Ở nơi này, mỗi một nhịp đập trái tim cũng có thể làm hạnh phúc vỡ òa, nơi mà nước mắt, nỗi đau luôn rình rập, nơi mà những y bác sĩ muốn đứng vững, không chỉ phải có trình độ chuyên môn mà phải có sức khỏe, lòng nhiệt huyết, đức hy sinh. Và động lực lớn nhất chính là những ca bệnh được cứu sống, những bệnh nhân hồi phục và trở về với gia đình. Mỗi thành công ấy là một món quà vô giá, là nguồn động viên to lớn giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Các bác sĩ Bệnh viện 199 đặt máy tạo nhịp tim tạm thời thành công cho một nữ bệnh nhân 73 tuổi, người Đà Nẵng bị rối loạn nhịp tim tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc
Chia sẻ thêm từ Điều dưỡng trưởng Phạm Thị Hưng: “Gần 20 năm công tác, tôi đã chứng kiến một bệnh nhân nữ hơn 50 tuổi lên cơn hen ác tính. Khi vào viện đã suy hô hấp tuần hoàn phải cấp cứu bóp bóng, ép tim mới có tim trở lại. Tại khoa, bệnh nhân hôn mê thở máy, duy trì thuốc vận mạch. Tình trạng tiên lượng rất xấu có thể tử vong bất cứ lúc nào nên các y bác sĩ phải túc trực liên tục. Mọi người lo lắng đến mức sợ người nhà không kịp đến để nhìn mặt bệnh nhân lần cuối. Nhưng bằng một sức mạnh thần kỳ, bệnh nhân đã mở mắt và có ý thức trở lại”.
Thực tế trên còn cho thấy, các y bác sĩ không chỉ là chuyên môn, mà còn là sự thấu cảm và sẻ chia. Bởi chứng kiến những bệnh nhân vật lộn với bệnh tật, đối diện với nguy cơ tử vong, ngoài việc điều trị, các y bác sĩ còn là những người tư vấn, động viên tinh thần cho gia đình bệnh nhân. Sự ân cần, chu đáo đó góp phần giúp gia đình bệnh nhân vững tâm hơn, tin tưởng vào đội ngũ nhân viên y tế.
Có thể nói, đằng sau những ca bệnh được cứu sống, những con số thống kê là sự cống hiến thầm lặng. Họ chính là những người đang viết nên những câu chuyện đẹp về tình người, về sự hy sinh cao cả trong ngành y. Phải “mắt thấy tai nghe” mới hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn, áp lực và sự bao dung, tận tụy hết lòng vì người bệnh của những bác sĩ, điều dưỡng nơi đây.
========




