Vào lúc 8h00, Đơn vị Cấp cứu Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đóng tại Đà Nẵng nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ người nhà bệnh nhân P.T.T (83 tuổi), quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng thông báo cụ bị co giật tím tái và mất ý thức tại nhà riêng.

Ngay lập tức, xe cấp cứu cùng đội ngũ y bác sĩ cấp cứu ngoại viện nhanh chóng tiếp cận hiện trường xử trí ban đầu. Tại nhà, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân đang trong tình trạng co giật toàn thân, thở yếu nên đã thiết lập đường truyền tĩnh mạch, hạ sốt, chống co giật. Sau khi tạm thời ổn định, bệnh nhân đã được vận chuyển về Bệnh viện điều trị.

Tại Đơn vị Cấp cứu, cụ P.T.T được các bác sĩ tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây co giật. Qua chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ nhận định bệnh nhân có tiền sử bệnh nền cao huyết áp, sốt không rõ nguyên nhân, rối loạn về cân bằng điện giải, nước và có thể đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng co giật.

Ngay sau khi xác định nguyên nhân, bệnh nhân đã được các bác sĩ xử trí, kiểm soát co giật, ổn định huyết áp và hỗ trợ hô hấp. Nhờ sự phản ứng nhanh, chuyên nghiệp của đội ngũ y bác sĩ, tình trạng của cụ P.T.T đã dần ổn định. Hiện tại, cụ đã tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn ổn định và đang được theo dõi tại Bệnh viện.

Bác sĩ Đỗ Quang Tá – Phụ trách Đơn vị Cấp cứu Bệnh viện 199 cho biết: “Thông thường, cơn co giật sẽ hết sau 2 – 4 phút. Sau 5 phút, nếu người bệnh hết co giật nhưng vẫn chưa tỉnh táo, có biểu hiện khó thở, ngạt thở, da xanh hoặc lên cơn động kinh khác. Không để người bị co giật ở một mình, cần nhanh chóng gọi cấp cứu đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất”.

 Bác sĩ khuyến cáo thêm, khi phát hiện có người bị co giật, trước hết giữ bình tĩnh để giúp đỡ người gặp nạn, không tập trung đông để thông thoáng không khí cho người bệnh. Loại bỏ các vật sắc, nhọn ra xa người đang co giật vì khi mất ý thức, người bệnh có thể gây tổn thương cho bản thân hoặc người xung quanh. Đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang bên trái để tránh nước bọt hoặc dịch nôn gây tắc nghẽn đường thở, đặt chân phải cao tạo thành góc vuông ở đầu gối. Nới lỏng quần áo, thắt lưng, khăn quàng cổ, cà vạt… để không gây nghẹt thở cho bệnh nhân.


========

BỆNH VIỆN 199
🏬Địa chỉ: 216 Nguyễn Công Trứ - Sơn Trà - Đà Nẵng
☎️1900 98 68 68 (CSKH)
🚨Cấp cứu: 0236 3986881
📩Email: benhvien199.bca@gmail.com